Trân Châu Mẫu còn có tên là Ngọc trai, Bang châu là hạt ngọc trong nhiều loại trai có tên khoa học khác nhau như Pteria Martensii (Dunker), Hyriopsis cumingii (Lea), Cristaria plicata (Leach), Anodonta wodiana (Lea). thuộc họ Trân châu (Aviculidae hay Pteridae).
Trân châu mẫu
- Tên khoa học: Margarita
- Tên gọi khác: ngọc trai, bạng châu,
- Tính vị, quy kinh: vị ngọt mặn, tính hàn, quy vào 2 kinh tâm, can
- Bộ phận dùng: hạt sùi nổi trên vỏ cứng của con trai
- Đặc điểm sản phẩm: hạt nhỏ bằng hạt cải , to có thể bằng hạt đậu hoặc hạt ngô. Cứng rắn, óng ánh nhiều màu sắc.
- Phân bố vùng miền: Thế giới: Trung Quốc ( Quảng Đông, đảo Hải Nam, Quảng Tây, Triết Giang, Thượng Hải ). Việt Nam: Quảng Ninh
- Thời gian thu hoạch: quanh năm
Mô tả Trân Châu Mẫu
Trân châu dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Nhật hoa tử bản thảo. Trân châu nhỏ có thể bằng hạt cải, to có thể bằng hạt đậu, hạt ngô. Chất cứng rắn nhiều màu sắc, vừa dùng làm thuốc vừa làm đồ trang sức. Con trai có thể bắt ở vùng bể hoặc nuôi để lấy Trân châu.
Theo phụ lục Trân Châu Mẫu còn có tên là Ngọc diệp, là những hạt sần sùi nổi lên trong vỏ cứng của con trai các loại Concha Margaritaferae hoặc Pteria Martensii (Dunker), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Đồ kinh bản thảo.
Tính vị ngọt, mặn và lạnh, qui kinh Tâm can.
Thành phần cũng gần như Trân châu.
Thuốc có tác dụng bình can tiềm dương, thanh can minh mục.
Dùng trên lâm sàng cũng như Trân châu nhưng không quí bằng.
Theo các sách thuốc cổ:
Sách Khai bảo bản thảo: hàn không độc.
Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: vị nhạt tính hàn, không độc.
Sách Bản thảo cương mục: mặn, ngọt, hàn, không độc, nhập quyết âm can kinh.
Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập Tâm kinh.
Sách Bản thảo cầu chân: nhập thủ thiếu âm tâm kinh, túc quyết âm can kinh.
Thành phần hóa học
Calcium carbonate (chừng 90%), magnesium carbonate, calcium phosphate ferric oxide, silica và nhiều nguyên tố Natri, kẽm, chì, đồng, manganèse.
Ngọc trai có nhiều calcium carbonate và ít magnesium carbonate hơn loài sống ở biển.
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền: Trân châu có tác dụng trấn kinh an thần, thanh can trừ ế (mộng mắt), thu liễm sinh cơ.
Sách Nhật hoa tử bản thảo: an tâm minh mục.
Sách Khai bảo bản thảo: trấn tâm, thuóc nhỏ mắt trị mộng thịt.
Sách Bản thảo diễn nghĩa: trừ tiểu nhi kinh nhiệt (sốt co giật).
Sách Bản thảo cầu chân: thuốc trừ nhiệt ở 2 kinh tâm và can cho nên có tác dụng an thần và làm sáng mắt (trấn tâm minh mục).
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Tác dụng đối với cơ trơn: thuốc có tác dụng ức chế ruột thỏ (tiêu bản).
Gây vết thương thực nghiệm ở lưng tai thỏ, chế phẩm của thuốc có tác dụng làm lành hoàn toàn trong 12 ngày, thuốc giúp da tổn thương tái sinh nhanh hơn.
Bài thuốc với Trân Châu Mẫu
1.Trị trẻ em kinh phong, sốt co giật, người lơn hồi hộp mất ngủ:
Bột Trân châu 10g, Ngưu hoàng 10g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 0,5g, ngày 2 – 3 lần với nước ấm. Trị trẻ em sốt cao co giật, viêm họng, viêm amidale, viêm mồm, khóc đêm.
Kim bạc trấn tâm hoàn ( Trân châu, Ngưu hoàng, Hổ phách, Đởm tinh, Thiên trúc hoàng). Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hồi hộp, cấp kinh phong, sốt cao co giật.
Trân châu phối hợp với Phục thần, Toan táo nhân, Ngũ vị tử tán bột mịn trọn với mật ong làm hoàn uống trị mất ngủ có kết quả.
2.Trị bệnh đau mắt (mắt đỏ đau, mắt có mộng thịt):
Đau mắt đỏ: Trân châu phối hợp với Thanh tương tử, Hoàng cầm, Cúc hoa, Thạch quyết minh để sơ tán phong nhiệt.
Mắt có mộng, màn che: thuốc phối hợp với Lô cam thạch, Băng phiến chế thành thuốc nhỏ mắt.
3.Trị viêm lở mồm tái phát nhiều lần:
Trân châu phối hợp với bột Thanh đại, Mai phiến, Ngưu hoàng, Hoạt thạch (Trân đại tán). Tác giả Trương Vinh dùng trị 319 ca lóet mồm, bôi hoặc phun sương vùng bệnh ngày 3 – 4 lần. Đối với bệnh nặng gia uống 0,5g, ngày 2 – 3 lần. Kết quả: tốt 196 ca, tỷ lệ 61,44%; có kết quả 100 ca 31,35%; khong kết quả 23 ca, 7,21% ( Tạp kỷ yếu nghiên cứu các chế phẩm Trung dược 1985,1:21).
Liều thường dùng:
Liều 0,3 – 1g, thường dùng dạng bột cho vào thuốc hoàn, tán.
Dùng ngoài lượng vừa đủ dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế