Nhục đậu khấu còn có tên là Nhục quả. Nhục đậu khấu là một vị thuốc dùng để kích thích tiêu hóa, làm thuốc kích thích chung trong các trường hợp kém ăn, sốt rét.
Mô tả Cây Dược liệu Nhục Đậu Khấu
Ngọc quả dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo, là nhân phơi khô hay quả chín sấy khô của Nhục đậu khấu.
- Tên khoa học: Myristica fragrans Hourt.
- Thuộc họ: Nhục đậu khấu Myristicaceae.
- Tên gọi khác: nhục quả, ngọc quả
- Mùa thu hoạch: tháng 5-6 và 11-12.
Cây Nhục đậu khấu là một cây nhỡ hoặc cây to, cành có vỏ ngoài nhăn nheo, hơi có khía, màu nâu xám. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình bầu dục, hoặc hình mác, dài 5-15cm, rộng 3-7cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ lông tơ, dày hơn ở lá non và có gân nổi rất rõ.
Cụm hoa đực dài 1-3cm, mọc ở kẽ lá gồm 3-20 hoa, bao hoa hình trứng, có lông chia 3 thùng (đôi khi 4), nhị xếp thành cột có đế dày, nhẵn, bao phấn thuôn, cụm hoa cái mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa, bao hoa hình trứng rộng, có lông ở mặt ngoài, chia 3 thùy ở đầu, bầu có lông mịn.
Quả thường đơn độc, có cuống ngắn, đôi khi mang bao hoa tồn tại; hạt hình trứng có áo và nhân màu trắng.
Cây có nguồn gốc ở vùng đảo Thái Bình Dương được nhập trồng vào đất liền ở khắp vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Nam.
Nhục đậu khấu và ngọc quả hoa đều là những vị thuốc thơm, có tác dụng kích thích. Được dùng trong cả đông và tây y. Nhưng dùng với liều cao thì có thể gây độc.
Thành phần hóa học Nhục đậu khấu
Nhục đậu khấu có chứa tinh bột, chất protid chừng 40% chất béo gọi là bơ Nhục đậu khấu ( beurre de muscade) 8 – 15% tinh dầu, 3 – 4% chất nhựa. Tinh dầu Nhục đậu khấu gồm 1 hỗn hợp các chất pinene, camphene quay phải ( 80%), dipentene (8%), cồn terpenic (linalol, borneol, terpineol và geraniol (6%) một ít eugenol và safrol, chất myristicin (4%). Bơ Nhục đậu khấu có chừng 70 – 75% myristin, 2 – 3% tinh dầu.
Lưu ý: Ngày uống 0,25 – 0,50g. Có khi có thể dùng 2 – 4g nhưng dùng liều quá cao có thể gây độc.
Bài thuốc với Nhục Đậu Khấu
1.Trị rối loạn tiêu hóa, kém ăn, nôn mữa, đau bụng, ăn khó tiêu:
- Nhục đậu khấu 0,5g, Nhục quế 0,5g, Đinh hương 0,2g tán bột mịn trộn với đường sữa 1g, chia làm 3 gói, uống 3 lần trong gnày.
- Quế 100g, Nhục đậu khấu 80g, Đinh hương 40g, Sa nhân 30g, đều tán bột mịn, Calci carbonat bột 250g, đường 500g trộn đều, ngày dùng 0,5 – 4g.
2.Trị tiêu chảy kéo dài do viêm đại tràng mạn hay lao ruột có hội chứng thận dương hư: dùng bài:
- Bổ cốt chi 10 – 12g, Ngô thù du 9g, Ngũ vị tử 10g, Đảng sâm 15g, Nhục đậu khấu 6g ( cho vào sau) sắc uống.
- Tứ thần hoàng ( Chứng trị chuẩn thằng): Bổ cốt chi 10g, Nhục đậu khấu 5g ( sao), Ngũ vị tử 5g, Ngô thù du 4g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3 lát sắc uống với nước muối nhạt trước lúc ngủ.
Liều thường dùng: Liều uống 3 – 8g, trị tiêu chảy nên nướng.
3. Nhục Đậu Khấu kích thích tình dục
Theo các tài liệu cổ của y học Trung Quốc, nhục đậu khấu được dùng rất phổ biến làm hương liệu, gia vị và đặc biệt thuốc kích dục, tăng cường khả năng sinh lý và sự hưng phấn của phụ nữ. Họ gọi nhục đậu khấu là “Gia vị tình yêu” hay “Viagra cho nữ giới”.
Cách dùng, lấy 0,25 – 0,5g bột nhục đậu khấu ninh nhừ với cháo, ăn trong ngày. Cháo nhục đậu khấu có mùi thơm đặc trưng và vị ngon hấp dẫn. Có thể dùng bột hạt pha trà hoặc cho vào nước giải khát mà uống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế