Sa nhân tím là cây thảo lâu năm, sống dưới tán rừng. Sa Nhân Tím có thể làm gia vị, thuốc chữa sốt rét, đau răng, an thai,…

Dược liệu Sa Nhân Tím

  1. Tên khoa học: Amomum longiligulare T. L.Wu
  2. Tên gọi khác: sa ngần, La vê, pa doóc, co nènh, mé tré bà, mắc nẻng.
  3. Tính vị, quy kinh: Cay, ấm, thơm vào các kinh tỳ, vị thận.
  4. Bộ phận dùng: quả
  5. Đặc điểm sản phẩm: Hình bầu dục hay hình trứng, màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có 3 gờ tù (vách ngăn); mỗi ngăn có chứa 7 – 26 hạt. Bên ngoài mỗi hạt có một màng mỏng, màu trắng mờ (áo hạt) chụm thành một khối. Hạt màu nâu sẫm, cứng nhăn nheo dính theo lối đính noãn trụ giữa. Mùi thơm, vị hơi cay.
  6. Phân bố vùng miền:
    – Thế giới: cây tập trung ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á, như Malaysia, Lào, Trung Quốc.
    – Việt Nam: tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, Đắc Lắc, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi
  7. Thời gian thu hoạch: mùa hạ, mùa thu

sa-nhan-tim

Mô tả & Đặc điểm Dược liệu Sa Nhân Tím

Sa Nhân Tím là cây trồng lâm sản ngoài gỗ thuộc họ gừng (Zingiberaceae), dùng trong Đông y trị các chứng phong tê thấp, sốt rét, đường ruột, đau răng, an thai… Ngoài ra còn được dùng làm gia vị, làm hương liệu trong các mỹ phẩm cao cấp.

Dạng cây thân thảo, mọc thành đám, sống lưu niên, cao 1,5-2,5m. Thân rễ (thân ngầm) bò lan chằng chịt trên mặt đất gồm nhiều đốt. Thân khí sinh màu xanh do bẹ lá hình thành. Lá mọc so le thành 2 dãy, phiến lá hình thuôn, dài 20-30cm, rộng 5-6cm, gốc lá hình nêm, đầu lá nhỏ nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Cuống lá dạng bẹ, dài 5-10cm. Lưỡi bẹ nhỏ, mỏng, hình mác, dài 1,5-4cm, màu nâu nhạt hoặc xám trắng.

Hoa dạng bông mọc cụm từ thân rễ ở gốc thân khí sinh. Cuống cụm hoa dài 3-6cm, gồm nhiều đốt, có vảy màu nâu, mỗi cụm có 3-5 hoa trở lên, màu trắng. Lá bắc ngoài hình bầu dục, màu nâu, dài 2,0-2,5cm, rộng 0,8cm, mép nguyên. Lá bắc bên trong dạng mo, hình ống, màu nâu nhạt, dài 1,3-1,5cm, bầu chia làm 2 thuỳ nông.

Đài hoa và tràng hoa hình ống, dài 1,6-1,7cm, mặt ngoài có lông thưa, gồm 3 thuỳ, thùy giữa to rộng hơn, hai thùy bên hẹp.

Cánh môi hình trứng ngược, lõm dạng thìa, đầu cánh môi cuộn ra phía sau, vệt giữa cánh môi màu vàng kéo dài đến đầu cánh môi, có 3 sọc tím hồng, gốc môi có móng, đỉnh lồi xẻ thuỳ, phía lưng cong. Bầu thuôn hình trứng, hơi phồng có lông dài 0,4-0,5cm. Vòi nhụy mảnh có lông tơ ngắn, đầu nhụy dạng phễu.

Quả nang hình trứng hoặc gần hình cầu có cuống ngắn, quả dài từ 1,3-1,6cm, rộng 1,2-1,3cm, chia làm 3 múi nông mang 3 khối hạt. Vỏ quả có gai ngắn, dày, màu tím nâu, khi già gai ngắn bớt và chuyển sang màu tím đen.

Hạt nhiều, từ 13-28 hạt/quả xếp thành 3 ô, hạt có áo màu trắng, hình đa diện, vị hơi ngọt, màu nâu đen, cắn vỡ có vị cay và mùi thơm của tinh dầu. Nhìn hình thái bên ngoài thì giữa các loài sa nhân tương đối giống nhau.

Riêng loài sa nhân tím có một số đặc điểm khác với các loài sa nhân khác như: Lưỡi bẹ hình mác nhọn dài trên 1,5cm (các loài khác có lưỡi bẹ ngắn hơn 1cm, đầu lá bẹ không vuốt nhọn). Hoa trắng có mép vàng. Quả hình trứng hay gần hình cầu, màu tím nâu khi chưa già, màu tím mốc khi già (các loài khác khi chưa già màu đỏ hồng hoặc xanh, khi già màu nâu đen).

Sa nhân tím 1 năm ra 2 vụ quả, cũng có thể ra quanh năm (tùy theo thời tiết). Vụ chính nở hoa vào tháng 4-5, quả già vào tháng 7-8 hàng năm, vụ kế tiếp (vụ phụ) nở hoa tháng 7-9, quả già tháng 11-12. Hạt có 3 cạnh tù, có gân đều. Khối hạt hình cầu, hơi dẹt hai đầu, không có u.

Tham Khảo Thêm Bài Viết Về Dược Liệu SA NHÂN


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế