Cỏ nhọ nồi, cỏ mực hay hàn liên thảo là một loài thực vật thuộc họ Cúc. Cỏ mực hay còn gọi cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ cúc Asteraceae.
Dược liệu Cỏ Nhọ Nồi
- Tên khoa học: Herba Ecliptae.
- Tên gọi khác: Cỏ mực.
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, chua, tính hàn. Vào hai kinh can, thận.
- Bộ phận dùng: Toàn bộ phần trên mặt đất của cây Cỏ nhọ nồi
- Đặc điểm sản phẩm: Thân hình trụ, có khía dọc, mặt ngoài thân màu nâu tím nhạt và mang lông cứng, trắng. Lá nguyên, mọc đối, hình mũi mác, màu xám đen và nhăn nheo. Cụm hoa hình đầu, màu trắng, mọc ở kẽ lá hay ngọn cành.
- Phân bố vùng miền: Ở Việt Nam cây mọc hoang chỗ ẩm mát khắp nơi.
- Thời gian thu hoạch: Quanh năm.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Cây thảo 1 năm cao 10-60cm, có thân màu lục, đôi khi hơi đỏ tím, có lông. Lá mọc đối, hẹp, dài 3-10cm, rộng 0,5-2,5cm, có lông ở cả hai mặt, mép khía răng. Hoa màu trắng, tập hợp thành đầu ở nách lá hoặc đầu cành, các hoa cái hình lưỡi ở ngoài, các hoa lưỡng tính hình ống ở giữa. Quả bế dẹt, có 3 cạnh có cánh dài 3mm. Cây ra hoa tháng 7-9, quả tháng 9-10.
2. Phân bố:
- Việt Nam: Cây mọc hoang chỗ ẩm mát khắp nơi.
3. Bộ phận dùng:
Phần cây trên mặt đất. Thường gọi là Hạn liên thảo.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Có thể thu hái quanh năm.
- Chế biến: Phơi hay sấy khô.
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.
5. Mô tả dược liệu cỏ nhọ nồi
Thân hình trụ, có khía dọc, dài khoảng 30 – 50cm, đường kính 2 – 5mm. Mặt ngoài thân màu nâu tím nhạt và mang lông cứng, trắng.
Lá nguyên, mọc đối, hình mũi mác, màu xám đen và nhăn nheo, dài 2,5 – 3cm, rộng 1 – 2,5cm. Hai mặt đều có lông cứng ngắn, màu trắng. Mép phiến lá có răng cưa, to và nông. Gốc phiến lá men xuống nên trông như không có cuống lá. Cụm hoa hình đầu, màu trắng, đường kính 4 – 8mm, mọc ở kẽ lá hay ngọn cành. Đầu mang 2 loại hoa: hoa cái hình lưỡi nhỏ ở ngoài hoa lưỡng tính hình ống ở trong, có khi các hoa đã rụng chỉ còn lại tổng bao lá bắc và trục cụm hoa.
Quả đóng hình trái xoan hơi dẹt, đầu cụt, màu đen. Dài 3mm, rộng 1 – 1,5mm.
6. Thành phần hóa học:
Alkaloid ecliptin, nicotin, α-terthienylinethenol, α-formyl α-terthienyl; còn có tinh dầu, tanin, chất đắng, caroten, cumarin lacton.
7. Công dụng – Tác dụng cỏ nhọ nồi
- Tác dụng: Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận.
- Công dụng: Thường được sử dụng trị Nôn ra máu từ dạ dày, chảy máu cam, đái ra máu, ỉa ra máu, tử cung xuất huyết; Viêm gan mạn tính, viêm ruột, lỵ; Trẻ em suy dinh dưỡng; Ù tai, rụng tóc do đẻ non, suy nhược thần kinh; Nấm da, eczema, vết loét, bị thương chảy máu, viêm da. Cũng còn dùng làm thuốc sát trùng trong bệnh ho lao, viêm cổ họng, ban chẩn, lở ngứa, đau mắt, sưng răng, đau dạ dày, bệnh nấm ngoài da gây rụng tóc.
8. Cách dùng và liều dùng cỏ nhọ nồi
Ngày dùng 12 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc viên. Có thể dùng ngoài, dược liệu tươi, lượng thích hợp.
Dùng tươi hay giã lấy nước uống, hoặc sao cháy đen với liều 15-30g sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá. Trong trường hợp sát trùng cũng dùng sắc uống hoặc giã tươi lấy nước uống, bã đắp. Có thể dùng tươi xoa tay chữa rát do vôi, chữa nấm ngoài da và nhuộm tóc có màu tím đen.
9. Lưu ý, kiêng kị:
Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy phân sống không nên dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu cỏ nhọ nồi
Chảu máu cam, nôn ra máu từ dạ dày:
- Cỏ mực 30g, lá Sen 15g, Trắc bá diệp 10g, đun sôi với nước và chia ra uống làm 3 lần.
Chứng vàng da, đau thận, rụng tóc:
- Cỏ mực và cành cây Râm, mỗi vị 15g sắc uống.
Loét ống tiêu hóa chảy máu:
- Cỏ mực 30g, Cỏ bấc 30g, đun sôi uống.
Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, kém sức, ăn không ngon, gầy yếu:
- Cỏ mực 100g, Cỏ mần trầu 100g, Gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống ngày 2 lần.
Chữa viêm họng
- 20g cỏ nhọ nồi và 20g bồ công anh, 12g củ rẻ quạt, 16g kim ngân hoa, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống một thang. Dùng từ 3 – 5 ngày.
Chữa sốt cao
- Khi bị sốt cao dùng cỏ nhọ nồi, sài đất, củ sắn dây mỗi vị 20g, 16g cam thảo đất, 16g cây cối xay, 12g ké đầu ngựa, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
Chữa chảy máu cam
- Cỏ nhọ nồi 20g, hoa hoè sao đen 20g, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
Chữa mề đay
- Nhọ nồi, lá khế, lá xương sông, rau diếp cá, lá dưa chuột, lá nhài giã nát, lá huyết dụ, cho nước vào rồi vắt lấy nước uống. Bã còn lại dùng để xoa, đắp vào chỗ sưng.
Chữa sốt phát ban
- Cỏ nhọ nồi 60g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 4 lần uống trong ngày.
Chữa bạch biến
- Nhọ nồi 30g, đảng sâm 15g, sa uyển tử 15g, xích thược 10g, hà thủ ô 30g, bạch chỉ 12g, đan sâm 15g, bạch truật 10g, thiền thoái 6g, đương quy 10g, các vị rửa sạch đem sắc uống ngày 1 thang, mỗi đợt uống 15 ngày.
Trị Eczema (chàm) trẻ em
- Trị Eczema trẻ em, có thể dùng cỏ nhọ nồi 50g, sắc lấy nước cô đặc, bôi chỗ đau. Thường 2 – 3 ngày sau là dịch rỉ giảm rõ ràng, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng 1 tuần là khỏi.
Chữa sốt xuất huyết nhẹ
- Cỏ nhọ nồi 20 g, lá trắc bá sao đen 12 g, hoa hòe sao đen 12 g, củ hoặc lá sắn dây 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa gan nhiễm mỡ
- Cỏ nhọ nồi 30g, trạch tả 15g, nữ trinh tử 20g, đương quy 15g.
- Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, bồ công anh 15g, chỉ củ tử 15g.
- Người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: đại hoàng 6g, lá sen 15g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.