Xoài là thức quả phổ biến vùng nhiệt đới. Xoài thơm ngon dễ ăn được nhiều người yêu thích. Xoài còn có tác dụng chữa một số bệnh thường gặp

Mô tả Quả Xoài

  • Tên khoa học Mangifera indica L., thuộc họ đào lộn hột (Anacardiaceae).
  • Cây to cao 15-20m. Lá nguyên, mọc so le, đơn, thuôn dài, nhẵn, bóng dài 15-30cm, rộng 5-7cm.
  • Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, thành chùy ở đầu cành.
  • Quả hạch khá to, hạch dẹt, hình thận, cứng trên có những thớ sợi khi nẩy mầm thì hơi mở ra. Hạt có lớp vỏ mỏng, màu nâu, không phôi nhũ, lá mầm không đều.

Thành phần dinh dưỡng

Chứa đường, đạm, cellulose, flavine, acid folic, calci, phosphor, sắt, beta caroten, vitamin B1, B2… Còn có các acid, saponin.

Tác dụng thực dưỡng

Quả có vị ngọt, chua, tính bình, tác dụng lý khí kiện tỳ, trị ho. Hột có vị ngọt, đắng, tính bình, tác dụng hành khí giảm đau. Dùng trị các chứng như miệng khát họng khô, tiểu tiện không thông… Giúp phòng ngừa ung thư kết tràng và bệnh do thiếu chất thô trong thức ăn. Thực nghiệm chứng minh: saponin trong xoài có tác dụng khử đàm trị ho và ngăn ngừa ung thư. Quả chưa chín ức chế vi khuẩn staphylococus, escherichia coli.

Bài Thuốc Với Quả Xoài

  • Ho, đoản hơi, đàm nhiều: quả sống 1 quả, bỏ hột, rồi ăn cả vỏ, ngày 3 lần.
  • Đầy bụng, ăn không tiêu: quả sống một quả, ăn cả vỏ, sáng chiều 1 lần.
  • Chảy máu chân răng: quả sống 2 quả, dùng cả vỏ, mỗi ngày 1 lần.
  • Viêm tinh hoàn: hột xoài 15g, hột nhãn 15g, cùng giã nhuyễn, thêm táo đỏ 5 quả, hoàng kỳ 15g, sắc uống, mỗi sáng chiều 1 lần.
  • Thủy thũng: vỏ quả xoài 15g, hột xoài 30g, sắc uống, mỗi ngày 1 lần.
  • Say tàu xe: nhai ăn xoài hay nấu nước uống.
  • Viêm họng mạn tính, khan tiếng: xoài với lượng vừa, sắc nước uống thay trà, dùng nhiều lần.

Chăm sóc sắc đẹp với Xoài

  • Viêm da, chàm: vỏ quả 150g, nấu nước rửa tại chỗ, ngày 3 lần.
  • Sinh tố làm đẹp da: xoài chín 1/2 quả, chanh 1/2 quả, bưởi 1/2 quả, mật ong 1/2 muỗng nhỏ, sữa chua 1/2 ly, nước đá 1-2 lát, tất cả cho vào máy xay sinh tố rồi dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.