Cỏ râu mèo dược liệu tự nhiên có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết.

Dược Liệu Cỏ Râu Mèo

  • Tên khoa học: Orthosiphon stamineus Benth., họ Bạc hà (Lamiaceae)
  • Tên thường gọi: Cỏ mèo, râu mèo,..cây bông bạc
  • Phân bố: Mọc hoang nhiều nơi ở Việt Nam, nay được trồng làm dược liệu
  • Thành phần hóa học: Cả cây chứa glucosid đắng orthosiphonin, saponin, alcaloid, tinh dầu, tanin, flavonoid, cholin, betain, alcol triterpen, các acid hữu cơ: acid tartric, citric, glycolic, muối vô cơ kali.
  • Thu hoạch & bảo quản: Cả cây, trừ rễ. Thu hái vào tháng 3- 4 trước khi cây có hoa. Phơi hoặc sấy khô

Mô tả Cỏ Râu Mèo

Cây cỏ, sống lâu năm, cao 0,50-1m. Thân đứng, hình vuông, thường có màu nâu tím. Lá mọc đối, có cuống ngắn, đầu nhọn, mép khía răng to.

Cụm hoa là một xim co mọc ở ngọn thân và đầu cành. Hoa màu trắng. Hoa cỏ mèo có 4 tiểu nhị, dài hơn vành 2-5 lần. Nhị và nhuỵ thò dài ra ngoài. Quả bế, thuôn rộng, dẹt, nhăn nheo.Cỏ râu mèo được trồng bằng cách giâm cành. Mùa hoa quả: tháng 4-7

Bài Thuốc Với Cỏ Râu Mèo

Theo Đông Y, cây râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp.

Cây Râu Mèo có thể dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, dùng trị viêm thận cấp tính và mạn tính, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu…

Râu Mèo Trị sỏi tiết niệu loại sỏi nhỏ:

  • râu mèo 6 – 10g khô, rửa sạch hãm với nửa lít nước sôi như hãm trà. Chia 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Uống nóng, uống liên tục 10 ngày, nghỉ 4 ngày, lại uống tiếp đợt khác.
  • Hoặc cỏ râu mèo, chó đẻ răng cưa, thài lài, mỗi vị 30g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước, sắc còn 250ml, uống trong ngày, trước khi ăn, lúc còn nóng. Dùng 5 -10 ngày một liệu trình.

Râu Mèo Hỗ trợ điều trị đái tháo đường:

  • râu mèo tươi 50g, khổ qua (dây, lá, quả non, tươi) 50g, cây mắc cỡ (sao vàng) 6g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước sắc còn 250ml, uống trong ngày, dùng liên tục 1 tháng, sau đó kiểm tra lại lượng đường trong máu.

Râu Mèo Trị tiểu tiện không thông (tiểu buốt, rắt):

  • râu mèo 40g, thài lài trắng 30g, rửa sạch cho 750ml nước, đun nhỏ lửa thêm 6g hoạt thạch, uống trong ngày. Uống liền 5 ngày. Nếu tiểu tiện bình thường thì ngừng thuốc.

Râu Mèo Trị tiểu ra sỏi, tiểu ra máu và tiểu buốt:

  • râu mèo 40g, thài là trắng 30g, Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch uống trong ngày, chia làm 3 lần. Uống liền 5 – 7 ngày.

Râu Mèo Trị viêm đường tiểu:

  • râu mèo, thài lài, chó đẻ răng cưa, mỗi thứ 30g sắc uống. Dùng trong một tuần lễ.

Râu Mèo Trị viêm thận mạn tính, viêm bàng quang, viêm khớp, phong thấp, viêm đường ruột:

  • râu mèo 40g, tỳ giải và rễ ý dĩ mỗi vị 30g. Sắc nước uống. Dùng 3 tuần nghỉ 1 tuần.

Râu Mèo – Trị viêm thận phù thũng:

  • râu mèo, mã đề, bạch hoa xà thiệt thảo, mỗi vị 30g sắc uống. Chú ý phải kết hợp dùng thuốc kháng sinh của y học hiện đại đủ liều theo phác đồ.

Râu Mèo Trị thận dương suy kém kèm theo hiện tượng bụng dưới đau tức:

  • râu mèo 16g, mã đề 20g, rễ tranh 12g, tô mộc 12g, rễ cỏ xước 16g, rễ cây ruột gà 12g. Dược liệu khô, sắc với nửa lít nước 150 – 200ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Râu Mèo Trị viêm gan siêu vi, bệnh hoàng đản, da dẻ xanh xao vàng bủng, táo bón kinh niên:

  • râu mèo 30g, cỏ lưỡi rắn 30g, cây chó đẻ 30g, Atiso 20g, cỏ mực 30g. Dược liệu khô thêm 1 lít nước sắc còn 3/4 lít để uống trong ngày. Dùng 3 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp trong vài ba tháng.

Râu Mèo Trị táo bón kéo dài:

  • Cỏ bông bạc khô 30g, cỏ lưỡi rắn 30g, cây chó đẻ 30g, atisô 20g, cỏ mực 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 1 lít nước sắc còn 3/4 lít để uống trong ngày. Dùng 3 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp trong 1 tháng.

Râu Mèo Trị đái tháo đường:

  • Râu mèo tươi 50g, khổ qua (mướp đắng) 50g, cây mắc cỡ khô 6g. Dược liệu tươi rửa sạch, bằm nhỏ, mắc cỡ sao vàng, thêm 1 lít nước sắc còn 3/4 để uống trong ngày, dùng liên tục 3 tháng đi thử máu lại.

Thận trọng với  phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tránh dùng quá dài, quá liều lượng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế