Cây Thài Lài mọc tự nhiên rất nhiều, có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Là dược liệu trong thang thuốc trị một số bệnh khác

Dược Liệu Thài Lài

  • Tên khoa học: Tradescantia zebrine Hort. Ex Loudon, thuộc họ thài lài commelinaceae.
  • Tên gọi khác: trai thài lài, hồng trai.
  • Phân bố: Cả nước, thường mọc nơi có nước, bờ mương, sông suối
  • Thu hái: Quanh năm

Mô tả thực vật Thài Lài

Cây Thài Lài mọc bò, thân phân nhánh và bén rễ ở các mấu; lá mọc so le, có bẹ, phiến lá hình bầu dục, chóp nhọn, mặt trên màu lục, có sọc ở mép và ở giữa, lằn giữa, mặt dưới đỏ tía, bẹ có lông. Hoa nhỏ, xanh tía hay hồng, từ một đến hai cái ở chót nhánh, hai lá bắc. Cánh hoa dính nhau, sáu nhị bằng nhau. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt, có áo hạt.

Theo Đông Y: Cây có vị ngọt, tính mát, có độc, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi niệu. Dùng trị ho thổ huyết, hầu họng sưng đau, mắt sưng đỏ, lỵ, thủy thủng, bệnh lâm, bạch đới, ung độc, bỏng, cháy, rắn độc cắn. Liều dùng khô từ 15 đến 30 g, tươi từ 60 đến 90g.

Bài thuốc với Cây Thài Lài

Theo Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây thài lài tía như sau:

Đái buốt, kiết lỵ

  • Thài lài tía khô 30 g, mộc thông 20 g đem sắc lấy nước uống.
  • Thài lài tía 30 g, mã đề 20 g đem sắc lấy nước uống.

Mụn nhọt sưng tấy

  • Thài lài tía, sống đời, mỗi vị 20-30g, giã tươi, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ đau.

Thài Lài Trắng có một số bài thuốc

  • Chữa quai bị: Thài lài trắng tươi 60 g, sắc lấy nước uống trong ngày. Các quan sát lâm sàng cho thấy, trung bình sau 1-2 ngày hết nôn; 1-4 ngày khỏi đau đầu; 2-6 ngày hết sưng và sốt; 4-6 ngày có thể khỏi.
  • Trị thổ huyết: Thài lài trắng tươi 60-90 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống
  • Có thể chữa chảy máu cam bằng cách lấy thài lài trắng tươi 60 g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Còn nếu bị viêm họng, sưng amiđan, nên lấy thài lài trắng 40g tươi (hoặc khô 15g) sắc lấy nước uống trong ngày.
  • Giảm yết hầu sưng đau: Thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, nhỏ từng giọt vào họng hoặc ngậm và nuốt dần.
  • Điều trị Cao huyết áp: Thài lài trắng tươi 60-90 g, hoa cây đậu tằm 12 g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.
  • Chữa phù thũng do suy tim: Thài lài trắng 15 g, xích tiểu đậu (đậu đỏ) 50 g, cho 300 ml nước, sắc còn 100 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc: Thài lài trắng thái nhỏ 20 g, đậu đỏ 50 g, cho nước vào nấu lên, ăn cái, uống nước. Phương thuốc này còn có tác dụng chữa đau khớp xương do phong thấ
  • Trị kiết lỵ: Thài lài trắng tươi 30 g (hoặc khô 10 g) sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
  •  Trị Viêm gan vàng da: Thài lài trắng tươi 120 g, thịt lợn nạc 60 g, nấu canh, ăn cả cái lẫn nước, dùng một lần hoặc chia ra nhiều phần ăn trong ngày.
  • Trị viêm cầu thận cấp, phù thũng, tiểu ít: Thài lài trắng tươi 30 g (hoặc khô 12 g), rễ cỏ xước 20 g tươi (hoặc khô 10 g), mã đề 20 g tươi (khô 8 g) sắc với nước, chia ba lần uống trong ngày.
  • Chữa bí tiểu: Thài lài trắng tươi 30 g, mã đề tươi 30 g, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong vào uống lúc đói bụng.
  • Giảm sưng khớp, ung nhọt sưng đau: Thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, đắp vào chỗ sưng đau rồi băng cố định lại, ngày thay thuốc một lần.

Ngoài ra, Thài Lài còn dùng làm rau. Có thể nấu canh, luộc, xào…có vị lạ, lại tốt cho sức khỏe khi thài lài giúp thanh nhiệt giải độc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.