Lá của cây lá móng có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, sát trùng và thường dùng chữa một số bệnh ngoài da… Ngày xưa, khi chưa có mỹ phẩm, phụ nữ đã lấy hoa móng tay ủ với nước mưa cho ra màu đỏ hoặc hồng để sơn móng tay, chân, làm son môi.

Dược Liệu Cây Lá Móng

  1. Tên khoa học: Folium Lawsoniae
  2. Tên gọi khác: Lá móng tay, móng tay nhuộm, cây thuốc mọi, chỉ giáp hoa, phương tiên hoa, lá lựu, lá mọi
  3. Tính vị, quy kinh: vị đắng the, tính ấm
  4. Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân, rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Lá mọc đối, hình bầu dục, hoặc hình trứng, gốc thuôn, đầu nhọn, dài 2 – 3 cm, rộng 1 cm cuống ngắn, mép nguyên, lá kèm rất nhỏ, màu trắng nhạt.
  6. Phân bố vùng miền: Thế giới: vùng Bắc Mỹ, Tây Nam Á, Ấn Độ, Bắc Phi. – Việt Nam: mọc rải rác cả nước
  7. Thời gian thu hoạch: mùa xuân hè

Mô tả Cây Lá Móng

Là loại cây thân nhỏ, da nhẵn (mọc hoang có gai ở đầu cành, không nhọn sắc). Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng bầu dục nhưng đầu, cuống hơi dẹp. Đầu cành mọc hoa hình thùy, dáng chùm nhỏ màu trắng, già chuyển đỏ rồi vàng sậm (khi héo), mùi thơm hăng hắc.

Theo y học cổ truyền, lá của cây lá móng có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, sát trùng và thường dùng chữa một số bệnh ngoài da như: Hắc lào, ghẻ lở, mụn nhọt, còn dùng chữa tiêu chảy, bại liệt, trừ giun sán, điều kinh, viêm họng.

Do lá móng tay có tính chất nhuộm màu nên được dùng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm như dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc. Hoa dùng chữa sốt, mất ngủ.

Một số bài thuốc với Cây lá Móng

Chữa bế kinh:

Lá móng tay 50g, ích mẫu 40g, nghệ đen 30g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống trước chu kỳ kinh 15 ngày.

Chữa hắc lào, ghẻ lở:

Lấy 200g lá móng tay tươi thêm 100g lá sả, 100g lá ổi (nấu chung với 3 lít nước – như nồi xông), tắm liên tục 2 tuần. Lá móng tay tươi rửa sạch, để khô ráo nước, cho 1/2 thìa muối tinh, giã nhuyễn, trộn với 3 thìa giấm nuôi, lấy nước uống, xác đắp nơi ngứa ngáy. Ngày 2 lần, liên tục trong 10 ngày.

Chữa đau nhức cột sống, té ngã chấn thương:

Lấy toàn cây (rễ, thân, lá, hoa màu trắng) 150g (sao khử thổ vàng), cốt toái bổ 50g (cạo sạch lông, xắt mỏng, phơi 3 nắng), cam thảo 10g, cẩu tích, ngũ gia bì mỗi thứ 15g. Sắc với 1.000ml nước còn 300ml, uống ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) liên tục 30 ngày.

Chữa sưng đau tỳ, vị, hạ sườn, hông:

Lấy cây lá móng tay 20g, rửa sạch, cắt khúc 3cm, cỏ mực 15g, rau má tươi 20g. Cả 3 thứ sao khử thổ, sắc với 1 lít nước còn 300ml. Uống ngày 3 lần, liên tục 4 tuần.

Tuy nhiên, cần lưu ý: cây thuốc này có công dụng hoạt huyết phá ứ mạnh, nên không dùng cho người không có chứng ứ huyết, nhất là phụ nữ có thai, người già và trẻ em.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế