Thanh đại còn có tên khác là chàm mèo. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu ban, được dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc

Dược Liệu Thanh Đại

  • Tên khoa học: Indigo Naturalis
  • Vị mặn, tính hàn. Có sách ghi vị ngọt tính bình (Dược tính bản thảo) hay vị đắng tính hàn, không độc (Bản thảo tái tân). Qui kinh Can, Phế, Vị, Tỳ.

Thanh đại (Indigo pulverata levis) còn gọi là Bột chàm được chế từ nhiều cây khác nhau, chủ yếu là các cây:

  • Cây chàm (Indigofera tinotoria L) thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae).
  • Nghệ chàm (Polygonum tinotorium Lour) họ Rau răm (Polygonaceae).
  • Cây Chàm (Strobilanthes cusia Bremek) hay Strobilanthes flaceidifolius Ness) còn gọi là cây Chàm mèo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
  • Một số cây khác chưa thấy ở nước ta như: cây Isatis tinctoria L. thuộc họ Chữ thập (Brassicaceae) và cây Isatis Indigotica Fort thuộc họ Chữ thập (Brassicaceae).

Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền: thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán phù, lương huyết. Chủ trị các chứng: Can nhiệt kinh giật, nhiệt khái đờm đặc, thấp chẩn, lở mồm, huyết nhiệt phát ban, chảy máu cam, quai bị, ung nhọt.

Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu: glucozit gọi là Indican. Khi thủy phân Indican sẽ cho glucoza và Indoxyl, chất này oxy hóa sẽ cho indigotin. Indigotin bị khử trong môi trường kiềm sẽ cho Leucoindigo không có màu.

Theo sách Dược lý học của Trung quốc: Thanh đại có 2 chất chính là: Điện lam 5 – 8% và Điện ngọc hồng 0,1%. Điện ngọc hồng (đã chế được bằng phương pháp nhân tạo) có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư.

  • Nước sắc Thanh đại có tính kháng khuẩn đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lî Shigella, phẩy khuẩn tả.
  • Điện lam có tác dụng bảo vệ gan.

Bài Thuốc với Dược liệu Thanh Đại

  1. Trị bệnh quai bị và các bệnh ung nhọt:

  • Thanh đại tán: Thanh đại 8g, Thạch cao 16g, Hoạt thạch 16g, Hoàng bá 8g, tất cả tán bột mịn trộn đều với vaselin bôi chỗ đau.
  • Thanh đại 20g, Băng phiến vừa đủ trộn đều với nước ấm bôi lên vùng đau trị quai bị trẻ em.

2. Trị tưa, viêm loét miệng:

  • dùng bài Trân đại tán (Trân châu – Thanh đại) bôi.

3. Trị giãn phế quản ho đàm có máu hoặc nôn có máu do huyết nhiệt:

  • dùng bài Thanh cáp tán: Thanh đại, Cáp phấn mỗi thứ 12g tán mịn, mỗi lần uống 2 – 4g, ngày 1 – 2 lần với nước sôi nguội.

4. Trị viêm gan mạn tính:

  • Thanh đại 1 phần, Bạch phàn 6 phần trộn đều tán bột mịn, mỗi lần 2g, ngày 3 lần.

5. Trị bệnh vẩy nến:

  • Mỗi ngày uống Điện ngọc hồng 25 – 50mg, liệu trình 8 tuần, thuốc có tác dụng ức chế tế bào biểu bì tăng sinh ( Tạp chí Y học Trung hoa 1987,1:7).

6. Trị bệnh bạch cầu hạt mạn tính (leucose chronique):

  • mỗi ngày uống viên Điện ngọc hồng 150 – 200mg chia 3 lần từ 1 tháng đến hơn 6 tháng trị 314 ca, tỷ lệ khống chế bệnh 59,87, tỷ lệ có kết quả 87,26% ( Tạp chí huyết học Trung hoa 1980).

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều:1,5 – 3g nên dùng thuốc hoàn tán ( vì thuốc không tan trong nước).
  • Dùng bôi ngoài lượng vừa đủ.
  • Dùng thận trọng đối với người tỳ vị hư hàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Y Tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Wikipedia Tiếng Việt
Báo Sức Khỏe Đời Sống – Bộ Y Tế