Ngay sau khi hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi được tách rời thành công, GS.BS Trần Đông A – một trong chín người tham vấn chuyên môn của ca mổ – đã chia sẻ với báo chí về quá trình phẫu thuật.

Ngay sau khi hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi được tách rời thành công, GS.BS Trần Đông A – một trong chín người tham vấn chuyên môn của ca mổ – đã chia sẻ với báo chí về quá trình phẫu thuật.

Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, 79 tuổi, là một trong 9 bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho ca đại phẫu tách rời hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi, tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Dù tuổi đã cao nhưng trước ca mổ “lịch sử” này, GS.BS Trần Đông A bảo mình vẫn còn rất “sung sức” để cùng với các thế hệ học trò, đồng nghiệp mang lại cuộc sống bình thường cho hai bé.

Ông nhận định, ca mổ 2 bé Trúc Nhi – Diệu Nhi sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam, kể từ sau 32 năm tách mổ thành công cặp song sinh Việt – Đức.

Ông nói: “Từ lúc bắt đầu đến nay cuộc mổ diễn ra như theo dự tính. Chỉ đến lúc đục xương mới phải truyền máu. Hiện đang tách hai bên khung chậu và khép khung chậu lại, sau đó là nối đường niệu và đường ruột. Sức khỏe của hai bé ổn định”.

Bác sĩ Đông A tham gia cố vấn chuyên môn cho ca mổ từ những ngày đầu tiên, tháng 6/2019, khi hai bé vừa lọt lòng. Ông dự tất cả cuộc hội chẩn, đưa ra những phương án tối ưu và dự phòng rủi ro cho từng thì phẫu thuật.

Hôm nay, vị bác sĩ già có mặt sát sao với êkíp từ sáng sớm, nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi. “Dù khó khăn, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc và hào hứng được cứu những sinh mạng bé bỏng”.

32 năm trước, ông là “nhạc trưởng”, phẫu thuật viên chính cho ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt – Đức, siêu hiếm gặp, thành công vang danh thế giới. Giờ đây, ông tiếp tục chứng kiến thế hệ đàn em, học trò của mình, bác sĩ Trương Quang Định, dẫn dắt một ca đại phẫu phức tạp không kém.

Ông không giấu niềm tự hào khi chứng kiến sự phát triển, trưởng thành vượt bậc của ngành y tế nước nhà và hạnh phúc vì sự vững vàng của học trò.

Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness Thế giới năm 1991, sau ca mổ hy hữu tách anh em trai song sinh dính liền Nguyễn Đức – Nguyễn Việt năm 1988 tại bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.

Ông cùng 62 y, bác sĩ mổ cho hai anh em Việt – Đức dạng dính liền bụng chậu hiếm gặp, chỉ chiếm 6% trong các ca sơ sinh dính liền. Việt và Đức có ba chân, một trong hai người đã bị bại não. Ca mổ chưa từng có trong y văn thế giới. 15 giờ mổ đi vào lịch sử, đến nay, kỷ lục đó vẫn chưa bị phá vỡ.

Nền y tế Việt Nam 32 năm trước tương đối thiếu thốn, phải được tài trợ thiết bị, dụng cụ từ Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản mới đủ điều kiện phẫu thuật.

Về sau, ông luôn có mặt trong những ca bệnh hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam, gồm hầu hết các ca tách dính song sinh, ca ghép gan đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi từ người sống. Ông thực sự trở thành hiện tượng của y học Việt Nam.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, chị Thúy – mẹ của hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi, cho biết gia đình rất vui mừng khi hay tin 2 thiên thần bé bỏng được tách rời thành công.

Trong những ngày tháng hai con còn dính nhau, cùng nương tựa vào nhau để sống, chị và gia đình cố gắng hết sức, đánh đổi tất cả để mong hai con được bình an.

Và đến ngày hôm nay, phép màu tưởng chừng chỉ có trong cổ tích dần hiện rõ: cuộc đại phẫu được đánh giá vô cùng khó khăn và phức tạp đến thời hiện tại đang diễn ra đúng dự tính.

Trước đó, lúc 14h07, tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết đã tách rời xong 2 bé và chuyển qua phòng mổ siêu sạch số 12 để tiếp tục tạo hình, chỉnh hình và đưa các cơ quan nội tạng về vị trí bình thường.

Các bác sĩ cho biết hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus), cực kỳ hiếm gặp.

Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.