Thuốc Enat 400 giả được phát hiện tại các gian hàng của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Tân Thành – Ảnh: Quốc Ngọc |
Như chúng tôi đã đề cập, các hoạt động mua bán thuốc phi pháp tại Trung tâm Thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế (134/1 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM) – thường gọi chợ sỉ thuốc tây – diễn ra hết sức kín đáo, tinh vi, người ngoài khó có thể nhận biết. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý trực tiếp hoặc “đóng chốt” tại chợ thì phải biết, thậm chí biết rất rõ.
Lấy hàng từ nguồn “đen” vì hám lợi
Cách đây chưa lâu, khi kiểm tra “chợ thuốc”, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện tại gian C9 (cửa hàng số 44) chứa hàng loạt thuốc giảm đau, kháng viêm không có số đăng ký, không hóa đơn chứng từ. Trong đó có cả thuốc giảm đau Tradolgesic chứa chất gây nghiện. Thanh tra đã niêm phong và tạm giữ các lô thuốc Voltaren 75mg x 3ml nghi ngờ giả để tiến hành làm rõ.
Nhân viên kinh doanh của cửa hàng giải thích rằng, số thuốc giảm đau, kháng viêm nói trên do mình mua để sử dụng cho người nhà (?). Phần còn lại vì hám lợi nên ông này cũng đem ra bán cho khách như một số mặt hàng thuốc khác.
Cũng theo khai nhận của nhân viên này, toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc bị thanh tra phát hiện là do ông mua từ một thanh niên tự xưng là trình dược viên. Người này cứ vài tuần lại đến chợ chào hàng và bỏ giá thâu vào khá rẻ.
Khi thanh tra tiến hành xác định nguồn gốc và tính hợp pháp của số thuốc Voltaren 75mg x 3ml đã thu giữ, nhiều sự thật đã được hé lộ. Văn phòng đại diện Công ty Novartis Pharma Services AG tại TP.HCM xác nhận công ty có sản xuất lô thuốc Voltaren 75mg x 3ml loại hộp 10 ống với mẫu bao bì và quy cách đóng gói như mẫu thuốc do Thanh tra Sở Y tế tạm giữ.
Nhưng công ty sản xuất sản phẩm này để bán cho thị trường khác, không phải để phân phối cho thị trường Việt Nam. Do đó, không có số đăng ký lưu hành của cơ quan y tế Việt Nam.
Còn lại, lô thuốc Voltaren 75mg x 3ml loại hộp 5 ống có vỏ hộp, bao bì bên ngoài giống với mẫu bao bì công ty đang sử dụng. Nhưng đơn vị nhập khẩu và phân phối là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2, chứ không phải Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (246 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) như thông tin có trên bao bì mẫu thuốc mà thanh tra tạm giữ.
Có thể thấy, hoạt động lấy hàng trái phép từ nguồn “đen” là các trình dược viên tại “chợ thuốc” mà không cần xác định nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến.
Được biết, cửa hàng số 44 thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Q.10 là một tổ chức kinh doanh thuốc, nhưng vẫn vi phạm trắng trợn các quy định cốt lõi nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Trong đó, lỗi nặng nhất là bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký không được phép lưu hành, không hóa đơn chứng từ.
Và hành vi này diễn ra công khai trong cái “chợ thuốc” lớn nhất nước. Chưa kể, cũng chính ngay tại chợ trời thuốc tây, cửa hàng của đơn vị này còn vi phạm hàng loạt quy định như sử dụng người bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn, không thực hiện đúng quy định về điều kiện bảo quản thuốc…
Thuốc giả có… hóa đơn đầu vào hẳn hoi
Mới đây nhất, việc kinh doanh thuốc giả xảy ra tại các cửa hàng khá lớn ở “chợ thuốc” tiếp tục bị phanh phui, cho thấy sự tán tận lương tâm và thủ đoạn tinh vi đáng sợ của những kẻ thu lợi với thái độ coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác.
Cụ thể, thuốc Enat 400 giả đã được phát hiện tại lô F (gồm gian F1 đến F5 và F13) của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Tân Thành và cửa hàng số 36 (gian B3, B5) lại cũng thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Q.10. Thuốc Enat 400 có tác dụng hỗ trợ điều trị và dự phòng tình trạng thiếu vitamin E.
Số thuốc Enat 400 bị tạm giữ của hai đơn vị trên có số đăng ký là VN-15978-12, nhà sản xuất Mega Lifesciences Public Company Limited (Thái Lan) và doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty Dược liệu trung ương 2 Phytopharma Sài Gòn.
Căn cứ hóa đơn đầu vào của Công ty Tân Thành và cửa hàng số 36, xác định đơn vị cung cấp là Công ty Dược phẩm Trường Tín (khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM). Qua kiểm tra, xác minh làm rõ việc mua, bán thuốc Enat 400, giám đốc Công ty Trường Tín xác nhận, công ty có kinh doanh mặt hàng Enat 400 với số đăng ký, nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu như số thuốc mà cơ quan chức năng đã phát hiện tại “chợ thuốc”. Trong đó có lô số 7C04D1, hạn dùng 3/3/2020 trùng với số lô, hạn dùng thuốc Enat 400 của Công ty Tân Thành và cửa hàng số 36 kinh doanh.
Tại buổi làm việc với Văn phòng đại diện Mega Lifesciences Public Limited TP.HCM, đại diện Mega đã hướng dẫn cơ quan chức năng cách tra cứu mã truy xuất nguồn gốc của thuốc Enat 400, các dấu hiệu để phân biệt thuốc thật, thuốc giả và cung cấp mẫu thuốc Enat 400 thật.
Kết quả kiểm tra, đối chiếu cho thấy mã truy xuất nguồn gốc trên điện thoại của đại diện Mega với mã truy xuất nguồn gốc trên hộp thuốc Enat 400 (số lô 7C04D1, hạn dùng 3/3/2020) đã thể hiện chữ “không xác thực”. Ngoài ra, các thông tin trên vỏ hộp, vỉ thuốc, chất liệu bao nhôm đựng vỉ thuốc, chữ in trên vỉ thuốc không giống như các thông tin trên hộp thuốc thật.
Theo các nhà chuyên môn, căn cứ định nghĩa về thuốc giả tại điểm b, c và d khoản 33, điều 2 Luật Dược 105/2016/QH13 và văn bản xác nhận số 01202017/MEGA-ĐK ngày 30/10/2017 của Văn phòng đại diện Mega tại TP.HCM, cho thấy Công ty Tân Thành và cửa hàng số 36 có dấu hiệu vi phạm kinh doanh thuốc chữa bệnh Enat 400 giả.
Hơn nữa, cả hai mẫu thuốc Enat 400 cùng số lô 7C04D1, hạn dùng 3/3/2020 của Công ty Tân Thành và cửa hàng 36 đã được ngành chức năng gửi kiểm tra chất lượng tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Kết quả kiểm tra chất lượng cho thấy cả hai mẫu thuốc đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về góc quay cực riêng và hàm lượng vitamin E theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất Mega.
Vụ việc trên có dấu hiệu hình sự nên đã được chuyển đến cơ quan điều tra Công an TP.HCM xử lý, đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.
Trước đó, vào cuối năm 2016, khi tình cờ đến “chợ thuốc”, nhân viên Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương Vidipha đã phát hiện sản phẩm thuốc Prednisolon 5mg chai 500 viên nén (số đăng ký VD-11184-10, số lô 0303, ngày sản xuất 15/7/2015, hạn dùng 15/7/2018) của công ty có dấu hiệu giả mạo và đang được bán công khai tại gian hàng của Công ty TNHH Dược phẩm Thiện Duy.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Thanh tra Sở Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra các gian hàng của Công ty Thiện Duy, phát hiện nhân viên đang bán 48 chai thuốc Prednisolon 5mg như mô tả mà không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Các sản phẩm này cũng không thể hiện trong phần mềm theo dõi hoạt động mua bán thuốc của công ty.
Thanh tra cũng đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ lô hàng để làm rõ và gửi mẫu thuốc đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, mẫu thuốc không đạt chỉ tiêu định tính Prednison acetat theo TC 08-Z-40-11. Điều này có nghĩa thuốc Prednisolon 5mg mà Công ty Thiện Duy bán là thuốc giả.
Theo giải trình của Thiện Duy, 48 chai Prednisolon 5mg do công ty mua từ một trình dược viên tên Hùng. Do tin tưởng vào hàng hóa có đủ thông tin và được “sản xuất” bởi Công ty Vidipha (đơn vị có uy tín), kèm với giá cả “phù hợp”, nên công ty đã mua mà không có hóa đơn, chứng từ (?).
Trong khi đó, phía Vidipha xác nhận không có trình dược viên nào tên Hùng cả. Và không chỉ được phân phối tại TP.HCM, Vidipha còn phát hiện số thuốc Prednisolon 5mg giả còn được lưu hành tại Hà Nội, Gia Lai. Các mẫu sản phẩm này đã lần lượt được gửi đến Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, rồi Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, đều cho kết quả thuốc giả. Đầu năm 2017, Sở Y tế đã có công văn chuyển hồ sơ vụ việc kinh doanh thuốc Prednisolon 5mg giả của Công ty Thiện Duy cho Công an TP.HCM.
Chúng ta biết, từ “chợ thuốc”, hàng hóa tỏa đi khắp các nhà thuốc tây lớn nhỏ tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác. Với tình trạng kinh doanh bất chấp thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc hiện nay tại “chợ thuốc”, nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân là có thật.
Vì ham món tư lợi nhỏ của mình mà đơn vị kinh doanh thuốc sẵn sàng vi phạm nguyên tắc bảo đảm an toàn cho con người là hành vi đáng lên án. Nhưng về phía quản lý nhà nước, nếu cứ tiếp tục “làm ngơ”, thì càng đáng lên án hơn.
Nguồn: Theo Báo Phụ Nữ