Mất vị giác và khứu giác là những triệu chứng sàng lọc bổ sung có giá trị trong chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19
Đó là kiến nghị của nhóm tác giả thực hiện một công trình nghiên cứu về triệu chứng mất vị giác và khứu giác ở những bệnh nhân được xác định mắc COVID-19, đây là một trong nhiều công trình nghiên cứu về những triệu chứng khá đặc hiệu này của COVID-19. Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã chính thức đưa triệu chứng mất vị giác và khứu giác vào danh sách các triệu chứng cần được xét nghiệm tầm soát COVID-19.
“Chúng tôi biết rằng COVID-19 có cơ chế hoạt động khác với các virus đường hô hấp gây cảm lạnh khác, chẳng hạn như khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể có phản ứng quá mức, được gọi là cơn bão cytokine và có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh” – Carl Philpott, University of East Anglia’s Norwich Medical School, người đã tham gia vào nghiên cứu cho biết. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết rằng các kiểu mất khứu giác và vị giác sẽ khác nhau giữa COVID-19 và cảm lạnh do các virus khác.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát chức năng khứu giác và vị giác ở 10 bệnh nhân COVID-19, 10 bệnh nhân cảm lạnh và 10 người khỏe mạnh làm nhóm chứng. Các nhà nghiên cứu Anh cho biết mất khứu giác và vị giác là một triệu chứng của COVID-19, nhưng bệnh nhân bị nhiễm coronavirus gây ra cảm lạnh thông thường cũng có thể mất vị giác và khứu giác do tắc nghẽn. Tuy nhiên, mất khứu giác và vị giác ở bệnh nhân COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn so với những bệnh nhân bị cảm lạnh thông thường là do tác động của coronavirus lên não và hệ thần kinh. Cả hai nhóm bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân cảm lạnh trong nghiên cứu đều có sự cải thiện về vị giác và khứu giác theo thời gian, mặc dù chỉ 30% bệnh nhân COVID-19 cho biết hồi phục hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho biết có khả năng bệnh nhân COVID-19 sẽ bị mất vị giác dai dẳng sau khi cơ thể đã loại bỏ virus.
Các nhà nghiên cứu không chỉ nhận thấy rằng chức năng khứu giác và vị giác của bệnh nhân COVID-19 kém hơn đáng kể so với cả bệnh nhân cảm lạnh và người khỏe mạnh – mà khả năng phát hiện vị ngọt và đắng cũng đặc biệt bị suy giảm ở bệnh nhân COVID-19. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ chỉ ra rằng bệnh nhân COVID-19 đang bị mất khả năng vị giác trực tiếp chứ không phải là mất vị giác gián tiếp do khứu giác bị suy giảm.
COVID-19 có thể gây ra phản ứng viêm quá mức ở khắp cơ thể, phản ứng viêm này có thể làm hỏng các thụ thể vị giác, ngoài ra, có thể ảnh hưởng đến một phần thân não kết nối với cảm giác vị giác.
Hơn nữa, các tác giả nhận thấy vị ngọt và đắng được chứng minh bị suy giảm nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân COVID-19. Kết quả này mang ý nghĩa rất thú vị vì chúng ta biết rằng các thụ thể ngọt và đắng có những điểm tương đồng. Những thụ thể ngọt và đắng thuộc về thụ thể ghép đôi G-Protein (GPCRs), trong khi sự truyền dẫn vị chua và axit là sử dụng các kênh ion. Điều thú vị là đặc điểm chung của các thụ thể khứu giác, vị giác ngọt và đắng là GPCR, ngoài ra các thụ thể GPCR cũng hiện diện ở tế bào biểu mô phổi, phải chăng chính các thụ thể này tham gia vào cơ chế xâm nhập tế bào của virus SARS-CoV-2.
Theo nhóm nghiên cứu, các bài kiểm tra về khứu giác và vị giác có thể giúp phân biệt COVID-19 và cảm lạnh thông thường, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao gợi ý rằng các xét nghiệm này có thể được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc để xác định những bệnh nhân có khả năng mắc COVID-19. Mặc dù không thể thay thế các công cụ chẩn đoán chính thức như PCR, huyết thanh học hoặc CT ngực, nhưng chúng có thể là một giải pháp thay thế khi các xét nghiệm này không có sẵn hoặc khi cần sàng lọc nhanh, đặc biệt là ở cấp độ chăm sóc ban đầu hoặc tại các khoa cấp cứu.
(Tài liệu tham khảo: “Comparison of COVID-19 and common cold chemosensory dysfunction”, described in a letter to the editor published in the journal Rhinology)
Nguồn bài viết gốc: http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/quan-ly-chat-luong-kham-chua-benh/mat-vi-giac-va-khuu-giac-la-nhung-trieu-chung-sang-loc-bo-sung-co-gia-tri-trong-cmobile8-32059.aspx