Gàu là một tình trạng rối loạn da đầu phổ biến đã tồn tại trong nhiều thế kỉ, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số từ tuổi trước dậy thì thuộc bất kỳ giới tính và dân tộc nào. Hầu như trong đời tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng của gàu da đầu với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có một thực tế là các bác sĩ lâm sàng, đặc biệt là bác sĩ da liễu, ít chú ý đến vấn đề này. Hiện nay, có hàng loạt các sản phẩm trị gàu với nhiều công bố khác nhau có trên thị trường song người bị gàu vẫn cảm thấy khó chịu, mất tự tin bởi tình trạng gàu chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Theo sinh lý, có khoảng 487.000 tế bào/cm2 được bong ra hàng ngày cùng với chất làm sạch, ở những người bị gàu con số này tăng lên 800.000 tế bào/cm2 khi bị gàu và viêm da dầu.
1. Căn nguyên gây bệnh
Yếu tố nội sinh
– Da đầu có một hệ sinh vật trong đó Staphylococcus spp., Propionibacterium spp., và Malassezia spp là những thành phần đã được xác định. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự xuất của gàu có liên quan chặt chẽ với sự mất cân bằng trong quần thể nấm và vi khuẩn tại da đầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy Malassezia khởi động và đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của gàu. Mật độ của những sinh vật này thay đổi từ 103 -105 sinh vật/mm2. Khi bị gàu, mức độ Malassezia tăng gấp 1,5 đến 2 lần mức bình thường.
– Nhiều tác giả cho rằng các yếu tố nhạy cảm của vật chủ bao gồm yếu tố gen, mất cân bằng hormon, căng thẳng tâm lý, suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng… góp phần trong việc hình thành gàu.Trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch như AIDS, ung thư, Pakinson, xơ cứng đa ổ…có tăng đáng kể lượng gàu.
Yếu tố ngoại sinh
– Ít gội đầu, vệ sinh
– Lạm dụng các sản phẩm dầu gội đầu, gel xịt tóc, thuốc nhuộm, tạo kiểu
– Ô nhiễm môi trường, khói bụi
– Ánh nắng mặt trời
2. Cơ chế bệnh sinh
Vảy gàu là một cụm tế bào sừng, vẫn giữ được mức độ liên kết lớn với nhau và tách ra khỏi bề mặt của lớp sừng. Kích thước của các vảy đa dạng, không đồng nhất giữa các vùng da đầu và theo thời gian. Cơ chế bệnh sinh của gàu bao gồm bốn yếu tố: sự tương tác giữa Malassezia với lớp sừng, xuất hiện tình trạng viêm nhẹ, tăng sinh tế bào sừng, phá vỡ hàng rào chức năng của da.Da đầu của con người rất nhạy cảm với hormon androgen và giàu bã nhờn. Sự bài tiết của tuyến bã phụ thuộc vào hormon, do đó việc mất cân bằng hormon cũng gây tăng tiết bã nhờn. Một số loài vi khuẩn và nấm được tìm thấy ở những khu vực có nhiều tuyến bã nhờn như đầu, mặt do chúng cần môi trường lipid để phát triển. Các vi khuẩn và nấm như Malassezia, propionibacterium và staphylococcus trên da đầu ăn bã nhờn này, phá vỡ chất béo trung tính và este thành monoglyceride và axit béo tự do bao gồm cả axit oleic. Các axit béo tự do được hình thành sẽ gây phản ứng viêm kích ứng da nhẹ, dẫn đến tế bào sừng da đầu tăng sinh quá mức dẫn đến hình thành gàu. Malassezia là một loài nấm men ưa mỡ, có 14 loài nấm men Malassezia được cho là có liên quan đến hình thành gàu là M globosa, M obsusa, M limiteda, M furfur, M slooffiae, M capre, M yamotaensis, M japonica, M equina, M dermatis, M pachydermatis, M cuniculi, M nana và M sympodiasis. Trong số này, Malassezia globosa và Malassezia limiteda chiếm ưu thế trên da đầu có gàu. Chúng phát triển nhiều hơn do sự tăng tiết chất nhờn và sự tăng sinh quá mức của lớp sừng. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, khi loại bỏ các sinh vật này có sự thuyên giảm các triệu chứng gàu.
Mặc dù có bằng chứng về vai trò thúc đẩy tăng trưởng của các loại lipid khác nhau trên Malassezia, nhưng vẫn thiếu mối tương quan rõ ràng về số lượng hoặc chất lượng của lipid ở đối tượng bị gàu và đối chứng. Những người nhiều gàu thì thường có tuyến bã hoạt động mạnh song nhiều đối tượng có da đầu nhờn cũng không xuất hiện gàu. Điều này cho thấy rõ ràng rằng lipid có thể tạo điều kiện ở một mức độ nào đó nhưng không phải là nguyên nhân chính. Các yếu tố nhạy cảm của vật chủ gây ra gàu nhiều hơn là hoạt động phân giải lipid của vi sinh vật.
3. Mối quan hệ viêm da dầu-gàu
Nhiều quan điểm cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa hai tình trạng viêm da dầu và gàu. Người ta cho rằng gàu là biểu hiện dạng nhẹ nhất của viêm da dầu, trong đó tình trạng viêm là rất ít, không biểu hiện thấy được trên lâm sàng. Ở viêm da dầu, tình trạng viêm nhiều hơn và lan rộng ra ngoài vùng đầu. Hình ảnh mô học cho thấy sự hiện diện rải rác của các tế bào lymho và các mao mạch nhỏ ở nhú bì, hiện tượng xốp bào và á sừng khu trú.
4. Gàu và rụng tóc
Mức độ nặng của gàu từ ít tới nhiều, rất nhiều, có thể nhận thấy vảy gàu gắn ở chân của sợi tóc khiến chúng không bị mất đi. Mối liên quan giữa gàu và tóc này một phần có thể giải thích hiện tượng không có gàu ở những người hói đầu và những vị trí không có lông tóc. Gàu có thể có trước hoặc đi kèm với bệnh rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc (telogen effluvium). Gàu cũng có thể làm nặng thêm chứng rụng tóc nội tiết tố nam. Trong một cuộc khảo sát kéo dài hai ngày, người ta đã quan sát thấy rằng khoảng 100-300 số lượng tóc đã bị rụng ở những người bị gàu thay vì 50-100 ở những người bình thường. Điều thú vị là một số hợp chất trị gàu, đặc biệt là ketoconazole, có thể hạn chế sự tiến triển của chứng rụng tóc nội tiết tố nam.
5. Điều trị
-
Thuốc chống nấm
Các loại thuốc chống nấm tại chỗ khác nhau nhằm mục đích tiêu diệt và làm giảm mức độ Malassezia. Chất chống nấm được sử dụng để kiểm soát tình trạng gàu bao gồm các dẫn xuất imidazole, hydroxypyridones, zinc pyrithione, sulfur và các dẫn xuất của axit undecylenic.
Imidazole
Thuốc chống nấm tại chỗ imidazole ngăn chặn sinh tổng hợp ergosterol, dẫn xuất sterol chính của màng tế bào nấm. Trong số tất cả các imidazole, ketoconazole đã trở là lựa chọn đầu tiên, có hiệu quả trong điều trị gàu, viêm da dầu.
Hydroxypyridones
Ngược lại với thuốc chống nấm imidazole, hydroxypyridone không ảnh hưởng đến sinh tổng hợp sterol; thay vào đó chúng cản trở sự vận chuyển tích cực của tiền chất đại phân tử thiết yếu, tính toàn vẹn của màng tế bào và quá trình hô hấp của tế bào. Ciclopirox được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các sản phẩm dầu gội.
Kẽm pyrithione (ZPT)
Một nghiên cứu của Warner và cộng sự, cho thấy việc giảm đáng kể các bất thường về cấu trúc trong gàu khi sử dụng ZPT; sự phong phú của quần thể Malassezia giảm, lipid trong tế bào sừng cũng giảm đi.
-
Chất ly sừng
Cơ chế bệnh sinh của gàu liên quan đến sự tăng sinh quá mức của các tế bào sừng, các tế bào sừng kết tụ lại với nhau thành những mảng da lớn. Về cơ bản, các chất tiêu sừng làm lỏng các chất gắn giữa các tế bào sừng, dễ được làm sạch hơn.
Axit salicylic
Axit salicylic là một chất tiêu sừng, nó làm giảm sự kết dính giữa các tế bào với tế bào
Lưu huỳnh
Lưu huỳnh, một nguyên tố phi kim loại có cả hoạt tính tiêu sừng và kháng khuẩn. Tác dụng tiêu sừng được cho là qua trung gian phản ứng giữa lưu huỳnh và axit amin cysteine trong tế bào sừng. Tác dụng kháng khuẩn có thể phụ thuộc vào sự chuyển đổi lưu huỳnh thành axit pentathionic bởi hệ thực vật hoặc tế bào sừng bình thường.
Hắc ín- tar
Hắc in được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh vẩy nến và cũng rất hiệu quả trong việc trị gàu. Chất này có tác dụng kìm hãm sự tăng sinh tế bào, làm phân tán vảy, có thể làm giảm sự xâm chiếm của Malassezia. Trên mô hình chuột, người ta thấy rằng việc bôi hắc ín tại chỗ ngăn chặn sự tổng hợp DNA của biểu bì. Hạn chế của các sản phẩm chứa hắc ín là có thể gây màu, mùi khó chịu.
-
Chất chống viêm
Corticosteroid hoạt động thông qua tác dụng chống viêm và chống tăng sinh. Hoạt chất corticoid tại chỗ đạt nồng độ đủ để giảm phản ứng viêm mà không gây hấp thụ toàn thân.
-
Kẽm
Kẽm được xác định là đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, và những người thiếu kẽm rất dễ mắc nhiều loại Malassezia loài. Kẽm là một chất trung gian mạnh giúp vật chủ đề kháng với nhiễm trùng. Liệu pháp sử dụng kẽm như một chất điều hòa miễn dịch cùng với tác nhân chống nấm có thể được coi là một cách tiếp cận mới
-
Chất giảm bã nhờn
Các chất giảm bã nhờn như kem dưỡng với các chất hòa tan trong chất béo, kem dưỡng da có dung môi lipid và kem dưỡng da làm dịu (axit amin, lưu huỳnh, nhựa thông) có thể được sử dụng để kiểm soát sự tiết bã nhờn.Isotretinoin đường uống có tác dụng giảm hoạt động của tuyến bã, bình thường hóa quá trình biệt hóa của tế bào sừng có thể được sử dụng để kiểm soát tình trạng gàu.
-
Chất kháng khuẩn
Selenium
Có tác dụng kháng Malassezia, giảm tăng sinh của tế bào sừng, đồng thời có tác dụng giảm tiết bã nhờn.
-
Điều hòa miễn dịch
Tacrolimus và pimecrolimus ức chế calcineurin đã cho thấy hiệu quả trong điều trị gàu da đầu. Cả hai loại thuốc đều thể hiện tác dụng chống viêm bằng cách ức chế sản xuất cytokine. Hơn thế, tacrolimus có hoạt tính diệt nấm mạnh trong ống nghiệm kháng lại Malassezia.
-
Thảo dược
Có một số thảo dược trong thiên nhiên nhiên đã được khẳng định là có hoạt tính trị gàu. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các thảo dược này được sử dụng kết hợp với các chất tổng hợp. Các nghiên cứu từ Ấn Độ đã chỉ ra rằng các chế phẩm thảo dược có hiệu quả như các chất tổng hợp trong việc kiểm soát gàu bằng cả in vitro và in vivo.
6. Hạn chế điều trị
Các thành phần chống gàu kể trên có trong các sản phẩm sử dụng tại chỗ khác nhau như dầu gội, dầu dưỡng với thành phần kết hợp chất tổng hợp và tự nhiên. Các chất trị gàu tổng hợp, tá dược có thể gây tác dụng không mong muốn như khô tóc, khô da, viêm da tiếp xúc, rụng tóc, viêm nang lông.Điều trị bằng thuốc kháng nấm, lượng Malassezia giảm, khi dừng điều trị, tình trạng gàu tái diễn, lượng Malassezia trở về như ban đầu. Người ta đưa ra giả thuyết rằng các chất chống nấm có thể không thể tiêu diệt các loại nấm men ở sâu nên phản ứng viêm tối thiểu vẫn tồn tại hoặc hoạt động chống viêm trong các chất trị gàu không đủ hiệu quả như công bố. Việc sử dụng thuốc chống nấm, chống viêm tại chỗ, các tác nhân chống bã nhờn và tiêu sừng đang nhằm vào các triệu chứng nhưng không có tác dụng để loại bỏ tận gốc nguyên nhân. Dầu gội trị gàu và các sản phẩm tại chỗ có thể làm giảm lượng gàu tạm thời nhưng chúng không thể ngăn ngừa sự tái phát của gàu.Do đó, trên mỗi người mắc nhiều gàu da đầu, bác sỹ da liễu cần cố gắng xác định nguyên nhân, sử dụng phương pháp điều trị tiếp cận đa mục tiêu với các chất chống nấm, chống viêm và điều hòa miễn dịch nhằm kiểm soát được tình trạng gàu.
BSCK II. Quách Thị Hà Giang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Isaiah S, Karthikeyan S. Review on scientific insight of dandruff / seborrheic dermatitis: a common skin disorder. Int J Pharm Bio Sci. 2015;6:742-7492.
2. Ranganathan S, Manuel F. A new postulate on two stages of dandruff: a clinical perspective. Int J Trichology. 2011;3:3. 3.
3. Ranganathan S, Mukhopadhyay T. Dandruff: The most commercially exploited skin disease. Indian J Dermatol. 2010;55:130.4.
4. Sheth U, Dande P , Pityriasis capitis: Causes, pathophysiology, current modalities, and future approach. J Cosmet Dermatol. 2021 Jan;20(1):35-47