Với nửa lọ omega-3 còn để trên tủ lạnh, tôi cũng phải tự vấn lương tâm của chính mình.
Một vài năm trước, cũng chẳng biết tại sao mà mỗi sáng tôi đều có thói quen bóc một viên omega-3 và nuốt vào bụng. Tôi chưa bao giờ đọc một bài báo khoa học nào nói về lợi ích của dầu cá.
Ở trong đầu, tôi chỉ có một khái niệm vô định rằng những viên thực phẩm chức năng màu vàng, trong suốt được ép ra từ tuyến nội tiết của những con cá hồi rất tốt cho sức khỏe. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ mình có thể kể ra những lợi ích sức khỏe đó là gì.
Ấy vậy mà bây giờ, ngay cả các chuyên gia cũng bắt đầu trở nên giống tôi.
Một đánh giá tổng hợp meta-analysis mới đây (loại nghiên cứu được coi là bằng chứng đáng tin cậy nhất của khoa học) thống kê lại 79 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, thực hiện trên hơn 100.000 người tham gia củng cố bằng chứng về sự vô dụng của thực phẩm chức năng omega-3.
Nghiên cứu liệt kê một lượng lớn các bệnh tim mạch mà omega-3 dường như “có ít hoặc hoàn toàn vô dụng“. Nó thách thức quan điểm trọng tâm và lâu đời của loại thực phẩm chức năng này – giúp thúc đẩy sức khỏe tim mạch.
Cứ cho rằng, số lượng nghiên cứu khổng lồ về omega-3 (mà phần lớn trong số đó được tài trợ bởi chính ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD) một ngày nào đó sẽ chỉ ra lợi ích thực tế của những viên dầu cá.
Nhưng ở thời điểm này thì không, ngành công nghiệp thực phẩm chức năng đang bị chiếu tướng ở một vị trí khó xử đến ngượng ngùng. Không những omega-3 chẳng có lợi ích gì cho sức khỏe, để sản xuất ra chúng ngành công nghiệp này còn phải kéo hàng triệu tấn cá khỏi đại dương, một hành động có thể để lại hậu quả nghiêm trọng lên môi trường.
Paul Greenberg là một nhà báo, tác giả cuốn sách “The Omega Principle: Seafood and the Quest for a Long Life and a Healthier Planet” (tạm dịch là “Nguồn gốc omega: Nguồn thức ăn của biển và nhiệm vụ cho một hành tinh khỏe mạnh bền vững).
Trong cuốn sách của mình, ông đã mô tả ngành công nghiệp dầu cá đang tồn tại dựa trên một giả thuyết lỗi về sức khỏe con người. Bây giờ, chính họ đang phải tự vấn lương tâm mình trong một đại dương các nghiên cứu mà độ tin cậy về mặt khoa học ngày càng thu hẹp.
Tôi cũng vậy, với nửa lọ omega-3 còn để trên tủ lạnh mà không biết làm gì, tôi cũng phải tự vấn lương tâm của chính mình.
Kỷ nguyên của những viên thực phẩm chức năng omega-3 bắt đầu trong thập niên 1970. Một nhóm các nhà khoa học Đan Mạch quyết định đến Greenland sau khi bị hấp dẫn bởi những báo cáo về thổ dân Inuit ở đây, những người có tỷ lệ tử vong rất thấp vì bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học lấy mẫu máu của người Inuit và phát hiện ra một nồng độ omega-3 rất cao, cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng ở Đan Mạch. Một giả thuyết rõ ràng được đưa ra: Omega-3 tốt cho trái tim của bạn.
Cũng chính từ đó, một giả thuyết ban đầu tầm thường đã được nghiên cứu rộng rãi trước khi trở thành cơ sở khoa học cho những dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe hoàn toàn mới. Mục đích nghiên cứu là phải đánh giá được giữa omega-3 và bệnh tim mạch có mối tương quan hay mối quan hệ nhân quả nào hay không.
Mối quan hệ nhân quả nghĩa là nồng độ omega-3 trong máu cao thực sự là nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch. Còn nếu không, bởi người Inuit ăn nhiều cá, có thể một số hợp chất khác trong cá mới là nguyên nhân gây giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch, omega-3 chỉ là một trong số các chất vô tình lẫn vào mà thôi.
Hoặc chế độ ăn cũng có thể không liên quan một chút nào: Có thể nhiệt độ lạnh ở Greenland mới là yếu tố đem đến lợi ích cho trái tim, nồng độ omega-3 cao trong máu người Inuit chỉ là một sự trùng hợp mà không liên quan đến sức khỏe của họ.
Hoặc những kết quả thống kê có thể đã sai ngay từ đầu. Năm 2014, một báo cáo giám sát chặt chẽ hơn chỉ ra trái tim của những người Inuit thậm chí không khỏe mạnh như chúng ta thường nghĩ. Tỷ lệ bệnh tim mạch thấp hơn có thể chỉ là hệ quả của dữ liệu y tế nghèo nàn ở vùng này, khi các ca bệnh không được báo cáo đầy đủ.
Bất chấp sự nghi ngờ về mối tương giữa omega-3 và sức khỏe, một ngành công nghiệp trị giá 15 tỷ USD vẫn ra đời và tăng trưởng đều mỗi năm 7%. Ngành công nghiệp thực phẩm chức năng omega-3 phát triển đến nỗi khoa học cơ sở của chính nó cũng phải cố gắng lắm mới bắt kịp được với nó.
Đến đây, những sự thật trần trụi về omega-3 mới bắt đầu hé lộ.
Năm 2012, một đánh giá tổng hợp meta-analysis (loại nghiên cứu được coi là bằng chứng đáng tin cậy nhất của khoa học) đã đưa ra kết luận: “Nhìn chung, thực phẩm chức năng omega-3 không liên quan đến nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân, tử vong do bệnh tim, đột tử, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ“.
Trước đây, cũng có giả thuyết cho rằng những viên dầu cá tốt cho não, dựa trên thực tế rằng omega-3 chiếm tới 5-10% khối lượng não người. Tuy nhiên, nghiên cứu về tác động của thực phẩm chức năng omega-3 đối với các bệnh về não cũng tương đối mờ nhạt.
Các nhà khoa học báo cáo rằng thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 không giúp ích gì cho bệnh trầm cảm, không các tác dụng gì với trẻ em có nguy cơ mắc rối loạn tâm lý và cũng không cải thiện trí nhớ cho người già.
Còn với bệnh ung thư, chén thánh của ngành dược phẩm thì sao? Không. Mặc dù ăn cá chắc chắn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, những lợi ích ấy biến mất khi con người cố chuyển những con cá thành những viên thuốc.
Mặc cho khoa học hỗ trợ những viên dầu cá ngày càng mờ nhạt, chúng vẫn được bán tràn lan trên thị trường mà không chịu bất cứ sự điều chỉnh nào từ phía luật pháp.
Năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật quy định về thực phẩm chức năng Dietary Supplement Health and Education Act of 1994 (DSHEA). Trong đó, thực phẩm chức năng không được coi là thuốc chữa bệnh. Bởi vậy, những viên dầu cá không phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
“Cho đến tận bây giờ, các nhà sản xuất có thể nhét bất cứ thứ gì họ muốn vào một viên nang và bán sản phẩm ấy như một thực phẩm chức năng“, Greenberg viết. Bởi không được phân loại là thuốc và không chịu sự giám sát của FDA, chẳng thực phẩm chức năng nào cần bằng chứng khoa học về tác dụng của nó.
Hầu hết các sản phẩm chứa omega-3 ngày nay vẫn quảng cáo một cách trơ tráo rằng omega-3 tốt cho tim mạch và điều đó đã được chứng minh lâm sàng.
Một chiến thuật khác mà ngành công nghiệp thực phẩm chức năng omega-3 triển khai để giữ được thể diện cho mình là tự tài trợ những nghiên cứu của riêng họ. Ví dụ như Tổ chức Toàn cầu EPA và DHA Omega-3s là một hiệp hội thương mại. Nhưng trong năm 2017, họ lại công bố một nghiên cứu của chính mình kết luận rằng tiêu thụ omega-3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Tuyên bố này trái ngược với những phát hiện từ các nghiên cứu lớn hơn trước và cả sau đó. Lợi ích của omega-3 hẳn đã bị thổi phồng. “Trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, tỷ lệ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành với các điều kiện của EPA+DHA là không có ý nghĩa thống kê”.
Mặc dù nguồn vốn tài trợ từ ngành công nghiệp không nhất thiết ngụ ý rằng nghiên cứu sẽ bị thiên vị, nhưng đó chắc chắn là một thứ gì đó thiếu minh bạch. Như Greenberg nhận xét, “bất cứ khi nào các thử nghiệm y khoa được thực hiện bởi ngành công nghiệp (một hiện tượng xảy ra ngày càng nhiều trong 50 năm qua), nghiên cứu ấy sẽ trở thành chiêu trò marketing [chứ không còn là khoa học nữa]“.
Ý tưởng rằng thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 sẽ làm được điều gì đó với sức khỏe con người không phải là không hợp lý: Hợp chất này đóng một vai trò sinh hóa cơ bản trong cơ thể, nhưng con người chưa thể tổng hợp chúng trực tiếp mà chỉ có thể nạp vào qua thực phẩm.
Một ngày nào đó, có thể các nghiên cứu mới sẽ chỉ ra lợi ích thực sự của omega-3 và đưa đến những ứng dụng thực tế hơn. Nhưng tại thời điểm này, khi các nghiên cứu lâm sàng ủng hộ omega-3 còn ít ỏi, câu hỏi đặt ra là liệu có bất kỳ tác hại nào của việc sử dụng omega-3 hay không?
Sẽ chẳng là gì nếu như ngành công nghiệp omega-3 chỉ đang kiếm tiền trên niềm tin mù quáng của công chúng, những người tin rằng mình sẽ khỏe mạnh hơn bằng cách nuốt nhưng viên thuốc bọc đường.
Nhưng dầu cá không được làm từ đường, chúng được làm từ động vật.
Không giống như tôi thường nghĩ, omega không phải là một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp chế biến cá thực phẩm. Chúng được sản xuất từ một quy trình còn tàn nhẫn và tanh tưởi hơn thế.
Những con cá mồi nhỏ bé (thường làm thức ăn cho các loài cá lớn) bị kéo ra khỏi lòng đại dương rồi chưng lên để ép lấy dầu. Dầu cá được bán đem về lợi nhuận khủng cho những công ty thực phẩm chức năng, trong khi lợi ích sức khỏe với người tiêu dùng của chúng chỉ là lợi ích ảo.
“Thật khó, tôi biết, để gióng lên hồi chuông kêu gọi lòng trắc ẩn cho những con cá dầu nhỏ bé ấy“, Greenberg thừa nhận. Nhưng ông cho biết rằng những con cá khiêm nhường này thực sự đóng một vai trò quan trọng với đại dương.
Cá mồi là những anh hùng vô danh trong chuỗi thức ăn: Chúng nằm ở một “điểm quan trọng“, chịu trách nhiệm chuyển đổi năng lượng mặt trời được lưu trữ trong những sinh vật phù du quang hợp sang năng lượng cho những con cá săn mồi.
“Loại bỏ hết những con cá mồi [khỏi đại dương]… bạn sẽ chỉ còn lại một hệ sinh thái đơn giản và nguyên thủy“, Greenberg nói.
Tất nhiên, đại dương của chúng ta rất rộng lớn, và những con cá mồi sinh sản rất nhanh. Trong khi ngành thủy sản dự báo rằng việc khai thác chúng vẫn bền vững, Greenberg nghi ngờ điều đó. Ông cho rằng thực trạng khai thác cá mồi hiện nay có thể tác động lên chuỗi thức ăn.
Theo ước tính, mỗi năm ngành công nghiệp omega-3 đang đánh bắt một lượng cá mòi dầu, cá cơm và nhuyễn thể bằng cân nặng của tất cả người Mỹ gộp lại. Ngay cả khi điều đó không gây tác động lên hệ sinh thái đại dương, những sản phẩm phụ của ngành công nghiệp vẫn tác động đến con người trên đất liền.
Sau khi dầu trong những con cá mồi được chưng thu và ép thành viên nang, thân thịt của chúng được nghiền thành phân bón và thức ăn chăn nuôi đi vào hệ thống nông nghiệp của chúng ta. Bột cá xay được rắc lên những vùng đất khai khoáng để trồng các loại cây tàn phá hành tinh như ngô.
Ngô sau đó được biến thành đường hóa học, xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS) trong nước ngọt, đưa thế giới vào một cuộc khủng hoảng béo phì và bệnh tiểu đường. Hoặc nó được dùng để nuôi bò, ngành chăn nuôi sẽ làm hành tinh nóng lên, và tiêu thụ nhiều thịt đỏ cuối cùng sẽ giết chết chúng ta bằng nhiều cách.
Bây giờ, trừ khi khoa học trong tương lai tiết lộ những lợi ích kì diệu của omega-3, có lẽ tôi sẽ không bao giờ mua thêm bất kỳ hộp dầu cá nào nữa. Những kiến thức này đã đủ thuyết phục rằng chi phí môi trường của những viên dầu cá đang vượt xa khỏi những lợi ích sức khỏe nhỏ nhoi và mờ nhạt mà chúng có thể mang lại cho con người.
Nhưng tôi phải làm gì với lọ dầu cá vẫn còn dở của mình? Ai mà thèm nuốt chúng để cả tháng phải ợ lên những hơi thở tanh tưởi mà chẳng ích gì. Có lẽ tốt nhất cứ để chúng trên nóc tủ lạnh. Lọ dầu cá đó sẽ là minh chứng nhắc nhở tôi rằng:
Trên đời có nhiều lựa chọn tưởng chừng nhỏ bé, nhưng nếu vô tư chọn lựa có thể gây ra những hậu quả tàn phá đến khủng khiếp.
Tham khảo Irineo Cabreros, Slate