Trong bối cảnh mà các loại vi khuẩn “nhờn” kháng sinh cướp đi mạng sống của 23.000 người trong tổng số 2 triệu ca nhiễm trùng mỗi năm tại Mỹ, việc tìm ra một phương pháp đối phó kịp thời như vậy là hết sức có ý nghĩa.

Vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh một cách quá đà hiện nay đã khiến các bác sỹ trên toàn thế giới lo ngại về việc những chủng vi khuẩn, virus sẽ dần dần thích nghi với thuốc và “tiến hóa” thành một dạng cá thể “nhờn” kháng sinh đầy nguy hiểm. Trong tình hình chưa phát triển được một loại thuốc kháng sinh thế hệ mới, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp tạm thời có thể tiêu diệt đến hơn 90% số vi khuẩn “nhờn” thuốc này.

Cụ thể, các chuyên gia nghiên cứu của đại học Colorado Boulder và viện nghiên cứu BioFrontiers đã sử dụng những hạt nano có thể kích hoạt bằng ánh sáng với tên gọi “chấm lượng tử” – có kích thước nhỏ hơn 20.000 lần so với sợi tóc con người – có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn có trong cơ thể người mà không làm hại những tế bào xung quanh. Sau khi thử nghiệm với những loại vi khuẩn đã được hoạt hóa sang cơ chế “nhờn thuốc” như Salmonella, E. Coli và Staphylococcus, các nhà khoa học đã xác nhận được rằng những “chấm lượng tử” này tiêu diệt tới 92% số lượng vi khuẩn trong các thí nghiệm.

Tác giả của nghiên cứ này, trợ lý giáo sư Prashant Nagpal, cho biết anh và các đồng nghiệp đã thu nhỏ những chất bán dẫn về cấp độ nano phân tử và chúng chỉ thực hiện chức năng tìm diệt vi khuẩn của mình khi có những kích hoạt đặc biệt từ ánh sáng, dựa vào điều này đội ngũ nghiên cứu có thể tùy chỉnh các bước sóng ánh sáng khác nhau để truy tìm những loại vi khuẩn cụ thể. Thực tế, đây không phải nghiên cứu đầu tiên sử dụng các hạt nano để chống lại việc các vi khuẩn đang dần chống lại tác dụng của kháng sinh Trước đó, một thí nghiệm sử dụng các hạt nano kim loại như vàng, bạc đã được chứng minh là có khả năng chống nhiễm trùng cực kỳ hiệu quả nhưng lại làm hại không ít những tế bào khỏe mạnh ở xung quanh.

Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, Anushree Chatterjee, cho biết kháng sinh không chỉ là cơ sở để đối phó với các loại vi khuẩn mà còn có cả những căn bệnh nguy hiểm khác như ung thư, hay thậm chí là virus đặc thù như HIV. Ngoài ra, Anushree cũng nhấn mạnh rằng việc chưa thể điều chế ra một loại kháng sinh trong tình hiện này đã thúc đẩy tất cả mọi người tăng cường nghiên cứu để hoàn thành dự án này. Trong bối cảnh mà các loại vi khuẩn “nhờn” kháng sinh cướp đi mạng sống của 23.000 người trong tổng số 2 triệu ca nhiễm trùng mỗi năm tại Mỹ, việc tìm ra một phương pháp đối phó kịp thời như vậy là hết sức có ý nghĩa.

 

Tham khảo ScienceAlert