Bạn là một sinh viên Dược đang theo đuổi ngành Kinh tế? Nhưng bạn vẫn mơ hồ chưa rõ công việc nào đang chờ đón mình khi tốt nghiệp ra trường? Bạn có nhiều tố chất đặc biệt và muốn tìm hiểu để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn hai công việc chính của một sinh viên theo đuổi Kinh tế Dược là Trình dược viên và Marketing dược.

Những công việc mà các bạn đang theo đuổi Kinh tế Dược có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp

Có khá nhiều lựa chọn nhưng trong đó có 2 công việc phổ biến nhất đó là:

  1. Trình Dược Viên là công việc mà hiện tại gần 80% các bạn sinh viên ra trường đều lựa chọn.
    Trình Dược viên là ai? đó là những người làm nghề giới thiệu thuốc, là trung gian giữa nhà sản xuất và tiêu dùng. Nhiệm vụ chính của Trình Dược viên là thông tin, giới thiệu thuốc (chỉ định, chống chỉ định, cơ chế…) cho cán bộ y tế và giành được đơn hàng về cho công ty.
  2. Marketing Dược chính là sự kết hợp giữa kiến thức Marketing với kiến thức về lĩnh vực dược phẩm để lên được một chiến lược Marketing phù hợp nhất. Một sản phẩm thuốc mới ra, làm thế nào để khách hàng biết đến? Cùng một tác dụng chữa trị có hàng trăm các loại thuốc khác nhau, làm sao để khách hàng sử dụng và trung thành với sản phẩm, nhãn hiệu  của chúng ta? Để giải quyết những vấn đề này, tất cả đều cần sử dụng đến Marketing Dược.

Trình Dược Viên có những hướng đi nào?

Trình Dược viên OTC và ETC là gì?

Về cơ bản thì công việc của trình dược viên OTC và ETC đều là giới thiệu, thông tin thuốc nhưng khác nhau về sản phẩm và đối tượng khách hàng hướng đến:

Trình dược viên ETC

ETC là viết tắt của Ethical drugs, prescription drugs, là những thuốc kê đơn, người muốn sử dụng thì thuốc ETC thì phải có sự chỉ định từ bác sĩ. Vậy nên đối tượng hướng đến của Trình dược viên ETC là các bác sĩ, nơi làm việc là các bệnh viện.

Công việc hàng ngày của trình dược viên ETC là đến gặp các bác sĩ và giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm của công ty từ đó nâng cao, thúc đẩy doanh số của sản phẩm. Ngoài ra công việc của trình dược viên ETC còn đi cài các gói thầu.

Địa bàn làm việc của Trình dược viên ETC được chia theo các bệnh viện.

Trình dược viên ETC tiếp xúc hàng ngày với bác sĩ – tầng lớp tri thức cao nên người trình dược viên ETC cũng cần rèn luyện cho mình một kiến thức vững vàng và cách ứng xử phù hợp.

Trình dược viên OTC

OTC là viết tắt của Over The Counter, thuốc OTC là thuốc được sử dụng mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Đối tượng hướng đến của trình dược viên OTC các nhà thuốc.

Công việc hàng ngày của trình dược viên OTC đó là đến gặp chủ các nhà thuốc, quầy thuốc để giới thiệu về phẩm của công ty, chốt đơn hàng. Trình dược viên OTC thường chỉ hoạt động trên một khu vực được giao và phụ trách về doanh số sản phẩm của mình trên khu vực đó.

Trình Dược viên của các hãng và trình dược viên tư nhân

Trình dược viên của các hãng:

Các hãng ở đây chính là những hãng Dược lớn, có trụ sở đặt ở nước ngoài như Pfizer của Mỹ, Novartis của Thụy Sỹ, Sanofi ở Pháp,… và đưa hàng phân phối ở Việt Nam.

Làm việc cho các hãng, trình dược viên sẽ được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chế độ lương thưởng, đãi ngộ rất thỏa đáng. Văn hóa làm việc năng động, chuyên nghiệp của một số hãng dược phẩm lớn là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên sau khi ra trường.

Môi trường tốt như thế nên sự cạnh tranh để vào được hãng dược phẩm rất cao. Hơn nữa môi trường làm việc được tiêu chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đến từng vị trí, từng công đoạn nên việc thăng tiến cũng rất khó khăn. Thể nên rất nhiều trình dược viên ETC sau khoảng 2 đến 3 năm làm việc đã chuyển đổi công việc khác.

Lương của trình dược viên các hãng là cao so với các sinh viên mới ra trường, thông thường dao động từ 10-15 triệu/tháng tùy năng lực làm việc.

Trình dược viên tư nhân:

Trình dược viên tư nhân là việc tại các công ty trong nước. Có thể kể đến các công ty dược phẩm trung ương, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Lương của trình dược viên tư nhân thấp hơn trình dược viên hãng, thông thường vào khoảng 6-10 triệu/tháng theo năng lực làm việc. Nhưng nếu trình dược viên tư nhân cố gắng có thể làm từ 2 đến 3 công ty một lúc.

Một người dược sĩ đại học ra trường sau một thời gian làm việc có thể được thăng chức lên Quản lý trình dược viên. Các bạn sinh viên trong trường có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế để sau khi ra trường có thể apply được vào các vị trí Quản lý Trính dược viên. Nhiều người sau khi làm quản lý Trình dược viên tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm còn có đủ khả năng ra tự kinh doanh riêng, tham gia vào quá trình buôn bán dược phẩm.

Hướng đi của người làm Marketing Dược

Marketing dược sẽ bắt đầu từ vị trí thực tập sinh, hoặc nhân viên, trợ lý quản lý nhãn. Công việc của những người mới bắt đầu sẽ là theo dõi, báo cáo; triển khai, giám sát các dự án nhỏ. Ví dụ như quản lý một fanpage, một website, làm những video clip, chuẩn bị ảnh tư liệu truyền thông,…

Sau 2-5 năm tích lũy kinh nghiệm, người làm Marketing dược sẽ phát triển lên Quản lý Nhãn (Brand Manager), công việc của Quản lý nhãn đó là lập kế hoạch và quản lý thương hiệu, quản lý tất cả các hoạt động marketing liên quan đến nhãn hiệu do mình phụ trách.

Sau 5-7 năm kinh nghiệm nếu tiếp tục sẽ có thể lên được vị trí Trưởng phòng Marketing, rồi phát triển lên Giám Đốc, lúc này người làm trưởng phòng Marketing đã có thể định hướng, điều hành, kiểm tra hoạt động của tất cả ngành hàng và nhãn hàng.

Vị trí thăng tiến cao nhất của người làm nghề Marketing là CEO (Chief Executive Officer) , chính là Tổng Giám Đốc của một công ty, người định hướng, điều hành cả công ty. Để đạt tới vị trí này đòi hỏi phải có kinh nghiệm trong nghề Marketing từ 10 năm trở lên.

Roca Livestrong